Danh mục tin tức

Thực trạng rác thải tràn lan sau thời gian giãn cách xã hội

Sau thời gian giãn cách xã hội, ven một số tuyến đường của TP.Biên Hòa xuất hiện nhiều đống rác lớn, nhỏ, chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Thậm chí, rác được đổ tràn lan ngay bên dưới các biển cấm đổ rác.

* Vô tư xả rác, phớt lờ biển cấm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, không chỉ dọc quốc lộ 1 (đoạn từ ngã tư Bồn Nước đến ngã tư Vũng Tàu) mà một số tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa cũng xuất hiện nhiều đống rác thải sinh hoạt.

Cụ thể như: đường Đồng Khởi (khu vực cầu Đồng Khởi, P.Tân Phong), đường Bùi Văn Hòa (khu vực dọc hàng rào Khu công nghiệp Biên Hòa 2, P.An Bình), đường Nguyễn Du (gần ký túc xá Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, thuộc P.Bửu Long), đường Nguyễn Khuyến (gần khu dân cư Phú Gia 1, P.Trảng Dài), đường Trần Quốc Toản (lối vào Nhà máy A29, Cục Kỹ thuật phòng không - không quân, P.An Bình)…

Tình trạng này gây bức xúc cho các hộ dân gần đó vì rác sinh hoạt để tồn đọng lâu ngày bốc mùi khó chịu, những lúc trời nắng thì phát sinh ruồi muỗi; trời mưa thì những bao rác theo dòng nước chảy vào nhà dân, rác tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, không ít bao rác chứa chất thải, phế phẩm sau khi giết mổ gia cầm cũng khiến người dân lo ngại các loại dịch bệnh theo đó phát sinh.

Ông C.Q.H. (ngụ P.Trảng Dài) cho biết: “Các đống rác trên đường Nguyễn Khuyến ban đầu do một số cá nhân vô ý thức vứt bỏ rác sinh hoạt. Lâu dần, thêm nhiều người khác đem rác chất thành đống. Sau khi người dân phản ảnh, chính quyền địa phương đã cho thu dọn sạch sẽ rồi đặt biển cấm, nhưng chỉ vài ngày sau đâu lại vào đấy. Nhiều người phớt lờ biển cấm vẫn vô tư xả rác, thậm chí, đống rác còn chất cao hơn trước”.

Cần các giải pháp căn cơ hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, lãnh đạo một số phường tại TP.Biên Hòa cho biết, các đống rác tự phát ven đường đã xuất hiện trước ngày 9-10, trong thời điểm giãn cách xã hội và được người dân phản ảnh nhiều lần. Dù địa phương cho người thu dọn nhưng sau đó lại tái diễn.

Để khắc phục các đống rác tự phát, UBND các phường đã cho thu dọn, cắm biển cấm đổ rác kèm mức phạt theo quy định. Đồng thời, liên tục nhắc nhở các hộ dân xung quanh khu vực không được đem rác ra đường đổ bừa bãi. Tuy nhiên, hầu hết người bỏ rác đều lợi dụng lúc đêm khuya, buổi trưa vắng người để đem rác ra đổ nên rất khó bắt quả tang để xử lý.

Theo lãnh đạo một số phường, địa phương không có lực lượng để canh chừng cũng như đi thu gom các đống rác tự phát mãi như vậy được mà cần có biện pháp căn cơ hơn. Cụ thể, phải có quy định buộc các hộ dân đóng tiền thu gom rác, không để xảy ra tình trạng trong một khu dân cư có hộ đóng, có hộ không; một số hộ không đóng lại lén đi đổ rác ra đường. Bên cạnh đó, các đơn vị thu gom rác trong khu dân cư cần có khung giờ thu gom phù hợp với đặc điểm cư dân từng địa phương, tránh thu gom rác quá sớm khi các hộ dân chưa kịp thức dậy để mang rác ra ngoài.

Một cán bộ Phòng TN-MT TP.Biên Hòa cho biết, trung bình mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 700-750 tấn rác. Trong vài tháng gần đây, rác chủ yếu là đến từ sinh hoạt gia đình vì nhiều chợ truyền thống, hàng quán chưa hoạt động trở lại. Để hạn chế tình trạng rác thải chất thành đống tự phát ngoài đường, nơi công cộng, UBND các phường, xã cần vận động người dân đăng ký thu gom rác tại nhà. Đồng thời, đặt các thùng rác tại những khu vực cổng chợ, trường học, các giao lộ lớn, nơi công cộng đông người qua lại để người dân bỏ rác đúng vị trí.

Theo http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202110/rac-thai-tran-lan-sau-thoi-gian-gian-cach-xa-hoi-3086430/

TAGS :

hệ lụy COVID-19, môi trường, ô nhiễm, ô nhiễm môi trường, rác thải, thực trạng rác thải hiện nay, xả rác, Xử lý rác thải

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

icon icon icon